Bài viết sưu tâm “Các loại hình doanh nghiệp: proprietorship, partnership, limited liability, corporation…” với mục đích giúp biên dịch tiếng Anh rõ hơn bản chất các loại hình doanh nghiệp, để thống nhất nội dung bản dịch và dịch đúng loại hình doanh nghiệp nước ngoài.
Xét theo hình thái tổ chức, các doanh nghiệp (business hay business enterprise) cơ bản gồm:
* Đơn danh hay doanh nghiệp tư nhân: tiếng Anh gọi theo một số cách là proprietorship, sole proprietorship, hay individual proprietorship. Loại này được “owned and operated by a single person”. Proprietorship chỉ có một chủ, nên “The owner receives all the profits and takes all the risks.”
* Hợp danh, gồm hai loại: (1) Partnership, hay general partnership, là loại có từ hai chủ trở lên. Những người tham gia partnership cùng chịu trách nhiệm cá nhân (trách nhiệm vô hạn/unlimited liability) đối với tất cả nợ nần của doanh nghiệp. (2) Limited partnership, là loại partnership có thêm các cổ đông góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn (limited liability).
* Trách nhiệm hữu hạn (limited liability), tiêu biểu nhất là công ty cổ phần, là corporation (Corp.). Corporation có pháp nhân tách biệt với chủ sở hữu, các cổ đông đơn lẻ chịu trách nhiệm hữu hạn trên số tiền mà họ đã góp vào công ty để mua cổ phần.
Các công ty dạng limited liability, tùy theo các không gian pháp luật, còn được tổ chức theo một số kiểu thức được chế định cụ thể, nhưng phổ biến vẫn bám quanh danh nghĩa là công ty trách nhiệm hữu hạn, là limited company (Ltd.). Ở Mỹ có loại limited liability company (LLC). Tuy nhiên, “Only corporations may issues securities,” (thật ra luật Việt Nam có cho phép doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn có thể phát hành trái phiếu).
Các corporations chính là thành tố chủ lực và thuyết phục cho sự ra đời và phát triển thị trường chứng khoán.
Loại doanh nghiệp này mặc nhiên có hai cấp độ tổ chức phân biệt: private hay privately held (nội bộ) và public hay publicly held (đại chúng).
* Công ty cổ phần nội bộ (private corporation hay private company) là công ty mà cổ phần được giữ bởi những người thân quen với nhau, các chức sắc (officers), nhân viên (employees) trong nội bộ một công ty hay trong một địa bàn hẹp. Do đó mà thường có nhận định “It’s sometimes difficult to get information about a private company.”
Tại một số nước nói tiếng Anh, công ty cổ phần nội bộ còn được gọi là private limited company. Nhưng khi viết tắt phía sau tên công ty, trong khi người Singapore dùng Pte, thì người Nam Phi và người Úc lại dùng Pty hay Pty Ltd, là từ viết tắt của proprietary company, (dùng từ proprietary thay cho private).
* Công ty cổ phần đại chúng (public corporation hay public company) có cổ phần được dàn trải rộng rãi để công chúng đầu tư sở hữu. Các công ty cổ phần đại chúng thường đồng thời là các công ty đã có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán, nên người ta còn gọi là publicly traded company. Một private company khi muốn phát hành đại chúng (public offering), nôm na là ra đại chúng (going public), để “lên đời”, hoặc bất cứ khi nào có quy mô chạm mức quy định (theo luật nước ngoài), thì phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán để được quản như một public corporation.
Rốt lại, chỉ có public corporation mới thực sự là nguồn cung chủ lực của thị trường chứng khoán. Nhưng đồng thời nhờ thị trường chứng khoán mà các corporations đó có thể linh động tăng giảm vốn: “All stocks are sold in the primary market and traded in the secondary market.” Lại thuận lợi cho người đầu tư, bởi “An important consideration for an investor is liquidity. Liquidity refers to an investor’s ability to sell a security without incurring significant loss, only the stock market can offer investors this key benefit.”
—
(*) Chuyên gia tài chính-chứng khoán, tác giả sách “Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh-Việt” do NXB Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Trung tâm kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hợp tác xuất bản.