Bài viết đưa vào Chuyên mục Thuật ngữ sưu tầm là vì có ích cho biên phiên dịch chúng ta, Công Ty Dịch Thuật Phú Ngọc Việt trích từ https://vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N10825/Thong-nhat-ten-giao-dich-gop-phan-tao-nen-suc-manh.htm. Những chữ đỏ để chúng ta tham khảo rất hữu ích
Vừa qua, Hội đồng ĐHQGHN đã thông qua tên giao dịch bằng tiếng Anh của các đơn vị và chức danh lãnh đạo trong ĐHQGHN.
Việc làm này nhằm tạo ra một hệ thống tên giao dịch thống nhất, thuận tiện trong giao dịch quốc tế và góp phần củng cố liên kết cộng đồng và nâng cao thương hiệu ĐQGHN. Để hiểu thêm ý nghĩa của sự kiện này, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN.
Ngay từ khi thành lập, ĐHQGHN đã có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnam National University, Hanoi (viết tắt là VNU). Xin Giáo sư cho biết ý nghĩa của tên gọi này?
Ở các nước có nền giáo dục phát triển thường có một hoặc một vài đại học có vị thế đặc biệt. Những Đại học này có thể mang tên Đại học Quốc gia, hoặc có thể không mang tên Đại học Quốc gia như Đại học Quốc gia Matxcơva mang tên Lô-mô-lô-xốp, Liên bang Nga; ĐH Malaysia, ĐHQG Australia, ĐHQG Singaore,… nhưng đều là diện mạo quốc gia và thực hiện những sứ mệnh quốc gia.
Trên tinh thần coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và xác định giáo dục đại học là một giải pháp để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước, ngày 10/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/CP thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội. Hai năm sau, Chính phủ thành lập ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Và để phân biệt với các trường đại học công lập khác trong hệ thống đại học đã có tên giao dịch quốc tế của hai đại học này đều đặt là Vietnam National University và để phân biệt hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau tên giao dịch giống nhau có tên hai thành phố nơi có trụ sở của hai Đại học. Cũng cần lưu ý rằng, đây là tên giao dịch bằng tiếng Anh chứ không phải tên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thông qua tên giao dịch này, bạn bè quốc tế có thể phân biệt được đây là vị thế và sự khác biệt của ĐHQGHN với hệ thống đại học trong nước.
Cũng cần lưu ý rằng có một số trường đại học sử dụng từ National không có nghĩa là quốc gia như đã nói ở trên mà chỉ có nghĩa là công lập để phân biệt với đại học dân lập.
Qua 18 năm xây dựng và trưởng thành, thương hiệu VNU ngày càng được khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng giáo dục đại học khu vực và quốc tế, xứng đáng là diện mạo quốc gia trên lĩnh vực giáo dục đại học.
Trong thời gian vừa qua, tên giao dịch bằng tiếng Anh của các trường đại học thành viên cũng như các chức danh lãnh đạo trong ĐHGQHN chưa thống nhất, tại sao thưa GS?
Khi mới thành lập, ĐHQGHN tập trung vào cấu trúc lớn, cho nên có những quy định ở các đại học thành viên chưa thật chặt chẽ. Tham khảo tên gọi của các đại học lớn trên thế giới, ĐHQGHN quy định các trường thành viên gọi là college, các khoa trực thuộc gọi là faculty, các trung tâm gọi là center. Nhưng các khoa trong một số trường đại học thành viên cũng lại dịch là faculty. Lúc đó có sự nhầm lẫn giữa faculty trực thuộc ĐHQGHN và Faculty trực thuộc trường đại học thành viên. Bên cạnh đó, theo quan niệm cũ ở Việt Nam thì trường đại học thường dịch là university, nên một số trường đại học thành viên ĐHQGHN cũng tự đặt tên giao dịch là university chứ không theo quy định là college. Còn chức danh người đứng đầu cũng chưa thống nhất. Có đơn vị dịch là rector, có nơi thì dịch là president giống cách gọi tiếng Anh của Giám đốc ĐHQGHN. Hiện tượng này đã gây nên sự không thống nhất trong hệ thống ĐHQGHN, khiến bạn bè quốc tế khó nhận diện ĐQHGHN là một chỉnh thể, một hệ thống. Bên cạnh đó, thực trạng này làm “yếu” sức mạnh tổng hợp của cộng đồng ĐHQGHN. đây chủ yếu là do lịch sử để lại nhưng là hiện tượng cần khắc phục.
Trên thế giới rất nhiều đại học có mô hình giống ĐHQGHN. Vậy cách gọi tên của các đại học này và các trường thành viên như thế nào?
Trên thế giới cách đặt tên đại học và các trường thành viên rất đa dạng, nhưng những đại học có tầm vóc quốc gia thì bao giờ cũng gắn với từ quốc gia – national. Ví dụ: ANU (Australia National University), SNU (Singapore National University), SNU (Seoul National University),…
Các trường đại học thành viên của các đại học này thường có 3 cách gọi. Thứ nhất là college, ví dụ college of Law, Australia National University (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Úc). Thứ hai là school, ví dụ Business School, University of London (Trường Đại học Kinh doanh, Đại học London). Thứ ba, là university nhưng có nhận diện bằng cách đặt dưới university mẹ.
ĐHQGHN làm thế nào để thống nhất tên gọi các đơn vị thành viên, chức danh lãnh đạo, các phòng ban trong hệ thống của mình? Ý nghĩa của việc này?
Để khắc phục tồn tại trên, Hội đồng ĐHQGHN đã thống nhất tên giao dịch của các đơn vị và chức danh lãnh đạo bằng tiếng Anh, trên tinh thần tạo ra một hệ thống thống nhất, nhận diện thương hiệu ĐHQGHN, tạo ra sự khác biệt với các đơn vị bên ngoài, thuận tiện trong giao dịch quốc tế. Theo đó tất cả các đơn vị thành viên đều bắt đầu bằng 3 chữ VNU, ví dụ trường đại học là VNU – University…, khoa trực thuộc đều gọi là VNU – School…, các trung tâm gọi là VNU-Center…, các Viện nghiên cứu gọi là VNU-Intistus…
Về tên gọi các chức danh lãnh đạo, Giám đốc là President, Phó Giám đốc là Vice-President, Hiệu trưởng là Rector, Phó hiệu trưởng là Vice-Rector, Trưởng Ban, Giám đốc trung tâm là Director, PhóTrưởng Ban là Vice-Diretor, Trưởng Khoa là Dean, Phó Trưởng Khoa là Deputy-Dean,…
Việc thống nhất tên giao dịch và tên chức danh bằng tiếng Anh là cần thiết và tạo ra sự nhất quán trong hệ thống, khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp tên gọi giữa các bộ phận, góp phần phát triển thương hiệu và tinh thần cộng đồng ĐQHGHN. Việc này còn góp phần thuận tiện hơn trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng tạo ra tính liên kết, tính hệ thống, tính thống nhất trong ĐHQGHN.
Xin cảm ơn Giáo sư!